Danh mục

Nâng cao chất lượng, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều

Tại Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019, nhiều doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đã đưa ra những đánh giá, nhận định về quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị từ quả vải thiều.

Ông Trần Lâm Hồng - Phó Tổng Giám đốc SaiGon Co.op. Ảnh: BGP/Trâm Anh


Ông Trần Lâm Hồng - Phó Tổng Giám đốc SaiGon Co.op cho biết, chuẩn bị mùa vải thiều năm 2019, Saigon Co.op tiếp tục đưa vải thiều Bắc Giang đến gần 700 điểm bán hàng trong hệ thống trên cả nước với sản lượng tăng 25% so với năm 2018. Đồng thời xây dựng chương trình “Lễ hội trái cây” kết hợp vải thiều và các loại trái cây của các địa phương khác trong tháng 6, 7 nhằm tôn vinh, giới thiệu nông sản Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. 

“Dịp Tết Đoan Ngọ, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong hệ thống phân phối của Saigon Co.op tại TP. Hồ Chí Minh. Đưa vải thiều xuất khẩu thông qua mạng lưới liên kết Hợp tác xã trên toàn thế giới, góp phần làm dày thêm danh mục hàng nông sản “thương hiệu Việt” có mặt trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại thị trường Singapore và Nhật Bản”, ông Trần Lâm Hồng nhấn mạnh.

Ông Thang Thành Vỹ - Hội trưởng Thương hội hoa quả quốc tế thị Bằng Tường. Ảnh: BGP/Trâm Anh


Đánh giá về vải thiều của tỉnh Bắc Giang, ông Thang Thành Vỹ - Hội trưởng Thương hội hoa quả quốc tế thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho rằng: Vải thiều Bắc Giang có chất lượng tươi ngon, cùi dày, hạt nhỏ, ngọt, được người dân Trung Quốc rất yêu thích.

“Trung Quốc là thị trường lớn với trên 1,3 tỷ người, có nhu cầu rất cao đối với hoa quả và nông sản chất lượng cao. Việt Nam có vị trí địa lý ưu việt, điều kiện khí hậu đặc biệt, mùa thu hoạch hoa quả và nông sản hỗ trợ bổ sung với Trung Quốc. Do đó, vải tươi và nông sản của tỉnh Bắc Giang có ưu thế xuất khẩu khá lớn đối với Trung Quốc". Ông Thang Thành Vỹ nói.  

Theo ông Thang Thành Vỹ, nhu cầu đối với hoa quả và nông sản của người dân Trung Quốc đã chuyển từ lượng sang chất, hải quan Trung Quốc cũng ngày càng yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch và chất lượng sản phẩm. 

Do đó, người sản xuất và doanh nghiệp cần tăng cường năng lực kiểm nghiệm trên phương diện tàn dư thuốc bảo vệ thực vật và giữ tươi, giúp cho vải thiều xuất khẩu phù hợp theo tiêu chuẩn vệ sinh, yêu cầu kiểm dịch của hải quan Trung Quốc. Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước Trung Quốc - Việt Nam, đi sâu vào khâu chế biến nông sản.

Ông Pierre Bertholat - Tổng Giám đốc điều hành Central Group Việt Nam. Ảnh: BGP/Trâm Anh


Ông Pierre Bertholat, Tổng Giám đốc điều hành Central Group Việt Nam cho rằng, tỉnh Bắc Giang rất giàu bản sắc văn hóa và nhiều đặc sản nông nghiệp. Big C và GO là những thành viên của Tập đoàn Central Group Việt Nam tự hào đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang trong việc quảng bá, tiêu thụ các đặc sản của tỉnh nhà như vải thiều, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế, cam bưởi... Đây đều là những sản phẩm được khách hàng rất ưa chuộng. Đối với mỳ Chũ, mỗi tháng, hệ thống siêu thị và đại siêu thị Big C tiêu thụ được 30 tấn. 

“Mùa vải thiều năm nay, chúng tôi cam kết tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên toàn quốc. Đặc biệt, bắt đầu từ hôm nay, Central Group Việt Nam xuất hành 6 container vải thiều để bán tại hệ thống siêu thị Big C ở nhiều tỉnh, thành phố và cả hệ thống siêu thị Lan Chi - đối tác chiến lược của chúng tôi”, ông Pierre Bertholat khẳng định./.